60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tiếng sét trong thế giới thuộc địa

Thứ hai - 05/05/2014 10:49
Sáng nay 5.5 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại. Bài viết sau đây lược trích từ tham luận của nhà sử học người Pháp Alain Ruscio (ảnh) tại hội thảo, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ngày 2.9.1945 đánh dấu sự kiện đất nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giành lại độc lập dân tộc. Cũng ngày hôm đó trên tàu USS Missouri, nước Nhật quân phiệt ký hàng ước chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tại con tàu đó, có mặt một đại diện của nước Pháp, đứng ở hàng các nước chiến thắng: tướng Leclerc.

Nước Việt Nam độc lập và nước Pháp tự cho là mới, vừa thoát khỏi cuộc chiến chống chế độ quốc xã, liệu hai nước sẽ tiến tới một giai đoạn mới trong quan hệ? Chúng ta biết rằng chính phủ Pháp đã lựa chọn vũ lực. Thủ lĩnh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống phát xít, tướng De Gaulle, một người Pháp yêu nước, lại không có khả năng hiểu được lòng yêu nước của các dân tộc thuộc địa. Trong một văn bản ghi ngày 4.9.1945, De Gaulle khi đó viết cho Đô đốc Argenlieu, một nhân vật hiếu chiến: “Đô đốc thân mến, chúng ta còn một miếng bánh lớn cần giành lại (ẩn ý Đông Dương - NV), một phần lớn cần tham gia. Dành cho ngài đó! Hãy tiến lên”.

Giữa lúc những dòng chữ trên được viết và tới lúc hệ thống thực dân chấm dứt, đã xảy ra những cuộc chiến tranh mới trong 18 năm (Đông Dương từ 1945 - 1954, Algeria 1954 - 1962, Cameroon 1955 - 1963), những cuộc thảm sát tại thuộc địa (Madagascar năm 1947, Morocco và Tunisia năm 1952), các cuộc trấn áp đủ loại (châu Phi đen)... Để dẫn tới điều gì? Phải thừa nhận đó là: nền độc lập của các dân tộc thuộc địa.

 

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tiếng sét trong thế giới thuộc địa
Đồi A1 ngày nay - Ảnh: Ngọc Thắng

Chúng ta biết rằng cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã đóng vai trò trung tâm trong tiến trình trên.

Các nhà chính trị Pháp, chứa đầy tiền lệ thực dân, đã tỏ ra coi thường “dân tộc bé nhỏ da vàng”, những “người nhà quê”. Tại Fontainebleau, người đứng đầu phái đoàn Pháp Max André đã nói với Phạm Văn Đồng, người lãnh đạo phái đoàn Việt Nam: “Ngài thấy đó, hãy nên biết điều, ngài biết rằng trong trường hợp đàm phán thất bại, ngài sẽ thấy chiến tranh và quân đội chúng tôi sẽ đè bẹp các du kích quân của các ngài trong vài tuần”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã kể với tôi trong tiếng cười lớn tại Hà Nội cuối năm 1978.

Những chiến binh du kích cuối cùng đã đánh bật những kẻ thực dân khỏi mảnh đất Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ. Qua chiến thắng trên, những người Việt Nam không chỉ loại bỏ được hệ thống thuộc địa mà cuộc chiến của họ còn là niềm hứng khởi ở các nước thuộc địa. 

Tiếng vang Điện Biên Phủ

 

 
 

Năm 1962, trong lời đề tựa cuốn Đêm thực dân (La Nuit Coloniale), nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc Ferhat Abbas, sau này trở thành tổng thống đầu tiên của chính phủ lâm thời Algeria, đã viết: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự. Đó là khẳng định của người dân châu Á và châu Phi trước người châu Âu. Đó là xác nhận về nhân quyền quy mô toàn cầu. Tại Điện Biên Phủ, nước Pháp đã đánh mất sự hiện diện hợp pháp duy nhất, tức lý lẽ của kẻ mạnh”.

 

Năm 1949, nhà văn Maurice Genevoix đã đi khắp châu Phi. Trong cuốn sổ ghi chép về con người và những suy nghĩ về tình hình, ông viết: “Khắp những nơi tôi đi qua, từ Tunisia, Algeria, Morocco, Senagal, Sudan, Guinea, Bờ Biển Ngà hay Niger, hiển nhiên các sự kiện quan trọng tại Đông Dương ngay lập tức được biết đến có tính chất quyết định”.

Tại Bắc Phi, từ năm 1948, một bộ trưởng của Chính phủ Hồ Chí Minh, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã viết thư cho Abd El’Krim (lãnh tụ phong trào đòi độc lập của Morocco), đang bị lưu đày tại Cairo, nhằm đề nghị ông có tiếng nói đối với những binh lính của khu vực tây Bắc Phi đang có mặt tại Đông Dương. Và vị thủ lĩnh Morocco sau khi chào mừng dân tộc Việt Nam là “dân tộc anh hùng bảo vệ tự do” đã kêu gọi binh sĩ Morocco “đứng về phía người Việt Nam để giúp họ chiến thắng những kẻ đế quốc Pháp bởi thất bại của chúng sẽ là một chiến thắng cho sự nghiệp giành tự do và độc lập của khu vực tây Bắc Phi”.

Năm 1950, Đảng Cộng sản Morocco được tiếp xúc với Việt Minh thông qua Đảng Cộng sản Pháp, đã gửi tới Hồ Chí Minh một ủy viên T.Ư Đảng là Mohamed Ben Aomar Lahrach. Nhân vật này được người dân tây Bắc Phi biết đến với cái tên "Tướng Maarouf" và người dân Việt Nam với cái tên "Anh Ma". Ông đảm nhiệm một vị trí quan trọng là kêu gọi những người anh em trong đạo quân viễn chinh Pháp đào ngũ và làm công tác giáo dục chính trị cho tù binh...

Việc quân đội Pháp liên tiếp thất bại tại Đông Dương hiển nhiên đã nhấn mạnh ý thức đoàn kết giữa các nước thuộc địa cũng như khắp Liên hiệp Pháp. Ví dụ các bến cảng ở Algeria đã từ chối xếp vũ khí lên tàu chở đến Đông Dương theo lời kêu gọi của Tổng liên đoàn Lao động (CGT) mùa hè năm 1949.

Một điều chắc chắn: Điện Biên Phủ không chỉ đi vào trong lịch sử của hai nước: đối với Pháp, đó là biểu tượng của một sự ngoan cố lỗi thời dẫn đến thảm họa; đối với Việt Nam, đó là biểu tượng của sự giành lại độc lập dân tộc.

Tối 7.5.1954, một người đấu tranh giải phóng dân tộc Mali khi đó đang học tập tại Pháp đã đi xem một vở kịch. Người này kể lại rằng anh đã từ chối đứng lên làm lễ tưởng niệm do một quan chức điều hành. Ngày 11.5, đúng 4 ngày sau thất bại, nghị sĩ Pháp theo chủ nghĩa De Gaulle Christian Fouchet đã bày tỏ sự lo ngại của mình: “Trong hộp thư ở Casablanca, một số người Pháp thấy những tấm bưu thiếp nhỏ có ghi: Casablanca, Điện Biên Phủ của người Pháp?”.

Tại Tunisia, chiến thắng cũng được kỷ niệm tại các khu phố bình dân, nơi đó người ta phục vụ một món đặc biệt kỷ niệm dịp trên, được gọi là món Tagine Điện Biên Phủ!

Báo L’Essor phát hành tại thủ đô Bamako (Mali) ngày 19.12.1960 viết: “Ngoài nền độc lập, không còn một giải pháp có giá trị nào khác cho Algeria và nếu nước Pháp khăng khăng với thái độ của mình, không chỉ có một Điện Biên Phủ mới đang được chuẩn bị mà còn là số phận của chính nước này đang lâm nguy”.

Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Algeria Jean Vaujour đã nhắc lại trong ký ức của ông: chiến thắng trên đem lại một sự “vui mừng tột độ” đến cả những “ngôi làng hẻo lánh nhất ở Algeria”. Không phải là sự tình cờ bởi hơn 3 tháng sau hội nghị Gèneve đã nổ ra cuộc nổi dậy của người Algeria từ ngày 1.11.1954. Người Algeria đã lấy “Chiến thắng Điện Biên Phủ” làm tiêu đề cho bản tin của Phái đoàn đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Algeria tại Pháp năm 1956.

Có một sự tương đồng lịch sử giữa trận chiến Valmy, khi đó các binh sĩ của Đệ nhất Cộng hòa Pháp đã đẩy lùi liên quân của châu Âu quân chủ, với trận chiến Điện Biên Phủ - chiến thắng của một dân tộc thuộc địa trước một đội quân phương Tây hùng mạnh. Thật đúng khi nói: trong cả hai trường hợp, tiếng bom đạn mở đường cho một xã hội mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
  THỐNG KÊ
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay14
  • Tháng hiện tại484
  • Tổng lượt truy cập1,093,096
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây